03 Tháng Mười Một 2024
Phổ biến giáo dục pháp luật

Thông báo một số vụ cháy điển hình và một số biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy

Chuyên mục: Phổ biến, giáo dục pháp luật | Người đăng: SuperUser Account | Ngày đăng: 13/07/2019 | Số lần xem: 1180

Từ đầu năm 2018 đến nay, liên tục xảy ra rất nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản, điển hình là một số vụ sau:

Vụ thứ nhất: Vào lúc 01h00’ sáng ngày 23/3/2018, xảy ra vụ hoả hoạn đặc biệt nghiêm trọng tại chung cư Carina Plaza trên đường Võ Văn Kiệt phường 16 quận 8. Toà nhà gồm 6 blocks cao từ 14 đến 20 tầng. Khói lửa ngùn ngụt bốc lên từ tầng hầm khiến hàng trăm người trên các tầng cao không thể thoát xuống, đã có một số người đã phải nhảy từ trên lầu cao xuống đất. Cảnh sát PCCC quận 1, 3, 7, 8, 11, huyện Bình Chánh … huy động  34 xe chữa cháy cùng hơn 300 cán bộ chiến sỹ xuống hiện trường để chữa cháy và cứu người. Vụ cháy khiến 13 người chết và 28 người bị thương, 13 ô tô để tầng hầm bị cháy trong đó có 5 xe ô tô và 150 chiếc xe máy bị cháy bị cháy hoàn toàn.

Vụ thứ hai: Vào lúc 2h00’ sáng ngày 09/05/2018 xảy ra vụ hoả hoạn nghiêm trọng tại nhà xưởng thuộc công ty TNHH thương mại dịch vụ Phước Sinh (rộng gần 2.000 m2) nằm trong khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP.HCM chuyên sản xuất giấy cuộn nên có rất nhiều trang thiết bị chuyên dụng, máy móc phục vụ đóng gói … lẫn vật liệu nằm rải rác (là chất dễ cháy) Cảnh sát PCCC quận 11, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Phú và huyện Bình Chánh huy động hàng chục xe chữa cháy cùng hàng trăm cán bộ chiến sỹ xuống hiện trường để chữa cháy, nhà xưởng bị lửa thiêu rụi hoàn toàn, thiệt hại tài sản hàng chục tỷ đồng.

Vụ thứ ba: Vào lúc 3h00’ sáng ngày 24/06/2018 xảy ra vụ hoả hoạn tại nhà số 179/2 đường 33, tổ 3, khu phố 7 phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM Cảnh sát PCCC quận 12 cử 6 xe chữa cháy cùng hơn 40 cán bộ chiến sỹ xuống hiện trường dập lửa. Đã giải cứu được 02 người bị ngạt khói nhưng căn nhà bị lửa thiêu rụi, thiệt hại khoảng 300 triệu đồng.

* Một số biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy:

Đối với các cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, nhà trường, cơ sở kinh doanh-dịch vụ…: Thường xuyên kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi làm việc, nơi sản xuất kinh doanh; tuân thủ các quy định về sử dụng, bảo quản các chất nguy hiểm, có khả năng gây cháy, nổ như xăng, dầu, gas, giấy…; không để vật tư, hàng hóa, phương tiện cản trở lối đi, lối thoát nạn, thoát hiểm. Dự kiến các tình huống thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, trang bị đủ các phương tiện phòng cháy chữa cháy để phục vụ chữa cháy kịp thời; khi rời khỏi nơi làm việc phải tắt các nguồn điện, nguồn nhiệt để phòng ngừa cháy, nổ; thường xuyên tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên, về an toàn phòng cháy chữa cháy, cách sử dụng các phương tiện phòng cháy chữa cháy.

Đối với hộ gia đình: Cần sắp xếp đồ dùng trong gia đình ngăn nắp, gọn gàng, không lấn chiếm lối thoát nạn, thoát hiểm; thường xuyên kiểm tra khu vực nhà bếp, các đồ dùng, hàng hóa có khả năng cháy, nổ cao (như: Gaz, xăng, dầu, cao su ...) cần để nơi đun nấu, đường dây điện, các thiết bị, dụng cụ sử dụng điện (như: đèn, bàn ủi, bếp điện, ổ cắm điện, bảng điện…); kiểm tra hệ thống điện, khắc phục các hỏng hóc có nguy cơ dẫn đến chạm chập, ngắt mạch điện; khi thắp hương, đèn, đồ vàng mã phải có người trông coi; trang bị các thiết bị chữa cháy tại nhà (như bình phòng cháy chữa cháy, thang dây dành cho các nhà cao tầng, xà beng để phòng ngừa trường hợp không mở được khóa cửa.

Sử dụng cáp điện, thiết bị điện ở những bảng quảng cáo ngoài trời phải đúng chủng loại, đúng tiêu chuẩn, lắp đặt phải đúng kỹ thuật phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa. Không sử dụng ổ cắm, phích cắm, CB, cầu dao bị nứt, vỡ vỏ nhựa hoặc bị gỉ, sét; không cắm dây dẫn điện trực tiếp (không có phích cắm) vào ổ cắm; không sử dụng giấy bạc, dây kim loại khác để thay thế dây cầu chì, cầu giao; không được treo móc hang hóa vật dụng lên đường dây điện, thiết bị điện. Ngắt ngay các thiết bị, dụng cụ điện sinh nhiệt ra khỏi nguồn điện khi không còn nhu cầu sử dụng hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện. Tắt bớt các thiết bị không cần thiết trước khi ra khỏi nhà hoặc trước khi ngủ.

* Hướng dẫn xử lý an toàn khi xảy có cháy:

- Khi xảy ra cháy nổ, hãy cố gắng hết sức di chuyển ra xa hiện trường, càng cách xa trung tâm vụ cháy nổ, khói lửa, khí độc và các chấn động càng giảm dần. Để giữ an toàn, hãy di chuyển theo dòng người và bình tĩnh tìm cơ hội thoát hiểm, cố gắng không chen ngang hoặc đi ngược lại đám đông để không bị xô ngã, giẫm đạp. Khi bị kẹt trong một đám đông hỗn loạn, yêu cầu đầu tiên là phải bình tĩnh và kiểm soát sự sợ hãi, hãy bình tĩnh để xem xét thông tin về sự cố đang xảy ra (cháy, nổ, sập đổ công trình…).

- Nếu không thể chạy thoát kịp thời khỏi vụ cháy nổ, hãy ngay lập tức ngồi hoặc nằm sát xuống đất hết mức có thể, co người lại, đưa hai tay che đầu và tai để giảm thiểu thương vong. Nhảy xuống nấp ở bất kỳ chỗ lõm, hố, kênh, rãnh trên mặt đất, càng sâu càng tốt rồi tìm cách thoát thân. Các vụ cháy nổ rất dễ gây bỏng, khi lửa bén vào quần áo của bạn, hãy dừng di chuyển, lăn, dụi quần áo xuống đất để tắt lửa. Hãy cố gắng làm ướt mình và dập tắt lửa xung quanh nếu có nguồn nước gần đó. Hoảng loạn, chen chúc, chạy nhanh khi cơ thể bị bắt lửa chỉ khiến lửa càng lan nhanh trên người và dễ gây nguy hiểm cho người khác.

- Trước khi thoát ra ngoài phải làm ướt mình, lấy khăn ướt che kín, miệng, mũi, khi thoát ra ngoài, phải tuân thủ nguyên tắc cúi thấp người khi di chuyển vì khói luôn bay lên cao. Thậm chí, phải bò sát sàn để thoát ra ngoài. “Khói thường nhẹ hơn không khí nên thường bốc lên cao. Khi thoát ra ngoài, nếu cúi thấp người hoặc bò thì sẽ rất tốt bởi ở vùng đó có đủ oxy để thở. Mặt khác, sẽ tránh được việc bị ngạt khói”, khi thoát ra ngoài ban công hay tầng thượng thì phải vẫy tay, la hét thật to để lực lượng cứu hỏa, người dân biết ứng cứu.

Khi phát hiện nguy cơ cháy, nổ xảy ra dù là nơi ở hay nơi làm việc , phải báo động gấp cho mọi người cùng biết, cúp cầu dao điện nơi xảy ra cháy, nổ nhanh chóng sử dụng bình chữa cháy, cát và nước để khống chế đám cháy, đồng thời phải điện báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy qua số điện thoại 114 để chữa cháy kịp thời.

Công an quận 10

In Đánh dấu và chia sẻ

Chuyên mục

Tranh cổ động